Những ngày ở Tacomepai Farm


Hành trình đến Tacomepai

Sáng nay, sau khi sửa soạn xong đồ đạc, tôi chạy xuống quán ăn gần Full Stop – hostel đang ở để ăn chút cơm trước khi lên đường đến Pai. Vé xe buýt đi Pai là 150 Baht + 25 Baht phí giao dịch (do tôi đặt vé online – Bus Online Ticket) và phải ra tận Arcade Bus Terminal (Bến xe buýt Arcade, Chang Mai) để bắt xe. Xe buýt đi Pai là loại xe nhỏ, chỉ vỏn vẹn 10 chỗ ngồi nên khá bí bách. Nhưng dù sao thì chỉ 3 tiếng ngồi xe thôi nên có lẽ sẽ không đến nỗi nào (tôi tự nhủ với chính mình). Và cho đến khi đi được nửa chặng đường thì tôi biết mình đã lầm “to”. Ba tiếng đồng hồ ngồi xe từ Chiang Mai đến Pai có lẽ là 3 tiếng dài nhất trong cuộc đời tôi. Ám ảnh và khủng khiếp. Tôi nôn ra hết thảy mọi thứ trong bụng, đầu óc choáng váng và gần như không thể ngồi vững trên ghế. Lần đi Ba Bể, có lẽ cũng không bi đát như lần này. Vậy mà tôi lại xem nhẹ nó, quên mất rằng để đến được Pai, tôi cần trải qua 762 khúc cua trên cung đường chỉ vỏn vẹn 136 cây số!

Bác tài xế dừng xe, và ngoái đầu ra sau, cố gắng ra hiệu cho tôi là đã đến nơi. Tôi quàng balo ra sau lưng, bám chặt vào thành ghế để xuống xe, cố gắng hết sức để không bị lao đao, nghiêng ngả. Lúc này, chân tay tôi đang bủn rủn, cứ như thể, chỉ cần một va chạm nhẹ thôi, tôi sẽ ngay lập tức ngã sụp xuống đất. Cuối cùng cũng nhìn thấy tấm bảng Tacomepai Farm sau một hồi lê lết. Tôi vứt balo xuống rồi nằm lăn ra giữa đường, mặc kệ nắng đang trườn khắp người, mặc kệ bụi bặm, xe cộ, mặc kệ cái nhìn ngơ ngác của người chạy ngang qua. Tôi nằm vậy tầm chừng dăm bảy phút rồi lôi điện thoại ra gọi cho Pure – anh bạn chủ Tacomepai Farm.

Đương lúc nằm giữa đường, đầu gối lên balo, tôi thấy trời đẹp quá. Dẫu đang rất mệt nhưng vẫn cố chụp vài tấm hình bầu trời và ngọn cây.

Pure ra cổng đón tôi và dẫn tôi vào farm. Vừa đi anh vừa luôn miệng bảo, balo của em nhỏ nhẹ thế. Ai đến đây, anh cũng thấy toàn mang balo to kềnh càng ý. Tôi cười, bảo mang nhiều mệt lắm, em không thích làm khổ mình.

Lúc đấy, ở farm đang có 3 bạn tình nguyện viên người Pháp và 1 bạn người Bỉ. Mọi người đang làm gì đó với căn nhà (mà ngay sau đấy tôi được thông báo, đó là căn nhà mà mình sẽ ở trong những ngày sắp tới), vừa làm vừa nghêu ngao hát theo tiếng nhạc phát ra từ cục loa bluetooth nhỏ của ai đó. Tôi cất đồ đạc của mình vào một góc, nhìn qua một lượt căn nhà rồi theo Pure xuống bếp tìm chút đồ ăn lót cái bụng rỗng tuếch sau khi đã nôn chán chường trên xe. Tôi đến farm lúc tầm 3h chiều, cũng đã khá muộn nên chẳng thể làm gì được nữa mà chỉ lang thang ngắm nghía farm và trò chuyện với mọi người. Rồi tôi phụ Pure chuẩn bị bữa tối và tranh thủ xem anh nấu ăn. Mọi thứ ở đây giản đơn hết mực, không hề có hình bóng của một cái gì đó hiện đại, cầu kỳ. Ngoại trừ chiếc tủ lạnh nhỏ tí xíu mang đầy dấu vết của thời gian. Tôi cảm tưởng như mình đang sống lại những năm tháng xưa cũ, khi công nghệ vẫn đang chỉ là những ý tưởng và người ở xa nhau xem những lá thư tay là tất cả tấm lòng.

Căn nhà của tôi là một căn nhà gỗ, mái lá, có góc ban công nhỏ nhìn ra ruộng vườn và rặng núi phía xa. Dù nhà chưa hoàn thiện nhưng khi nghĩ đến việc mình sẽ ngủ trong một căn nhà được dựng lên bởi bàn tay của không ít người đến từ mọi nơi trên Trái Đất, tôi luôn thấy mình may mắn biết bao.

Sau khi ăn tối xong, mọi người ngồi xem Pure dạy làm xà bông từ quả bồ hòn (Soap nut) rồi cùng chơi bài Go Fish. Bọn muỗi thì bay lượn lờ xung quanh, thi thoảng cả bọn lại phì cười khi thấy một đứa nhảy cẫng lên vì bị muỗi cắn. Pure cứ một lúc lại phải ra cắt thêm nắm lá sả chanh cho vào đống lửa nhỏ đốt ở giữa nhà hòng đuổi lũ muỗi không chịu nghe lời. Ở farm, đèn điện tối mập mờ chứ không sáng quắc như ở thành phố. Cả căn bếp chỉ vỏn vẹn một cái bóng đèn nhỏ tí xíu, ánh sáng hiu hắt, vàng vọt như bóng đèn ngủ. Đứa nào đứa nấy cứ phải dí lá bài của mình sát mắt để nhìn cho rõ. Tiếng dế thở, tiếng ếch nhái kêu râm ran liên hồi không chịu ngớt. Tối nay trời đầy những sao sáng quắc.

Nhà của tôi trong những ngày ở Tacomepai
Đây là khung cảnh nhìn từ ban công
Tôi ngủ trên gác – vỏn vẹn 1 cái đệm cũ, màn, chăn. Và không còn gì khác

Pure và những ngày ở Tacomepai

Ngày thứ hai ở Tacomepai. Tôi tỉnh dậy lúc trời đang lờ mờ sáng sau khi ngủ một giấc ngon lành ở nơi đất lạ. Có lẽ giấc ngủ tối qua đã phần nào bù đắp cho 3 tiếng đồng hồ thảm khốc trước đó. Thật may tôi thường không bị chứng “lạ nhà khó ngủ”, hay “sợ bóng tối” nên lúc đến nơi xa, tôi luôn có thể ngủ ngon lành. Chính nhờ điều này mà việc ngủ lều, ở ga tàu, sân bay hay hostel đều chưa một lần gây khó chịu cho tôi. Quàng vội chiếc áo khoác, tôi bước nhẹ ra ban công, liếm láp chút không khí thanh sạch, mát dịu của buổi mai như một cách để bắt đầu ngày mới. Mặt trời chưa chịu thức giấc, bọn lá trên cành vẫn còn ướt đẫm sương. Phía ngoài xa, tôi nom thấy dáng dấp Pure, có lẽ anh chàng đang đi thăm ruộng lúa của mình.
Ngày hôm nay, Tacomepai chia tay 3 bạn người Pháp. Các bạn ấy sẽ đi tiếp hành trình của mình. Trước khi chia tay, Pure quyết định sẽ chở cả bọn đi loanh quanh Pai và thế nên hôm nay chúng tôi không làm việc.

Chúng tôi đứng trong thùng xe tải của Pure. Xe chạy bon bon, gió thổi mạnh. Trời xanh thăm thẳm. Pure chở chúng tôi đến Land Split, Cầu tre Boon Kho Ku So, Cầu Tưởng Niệm (Pai Historical Bridge) sau đó cả bọn ăn trưa ở dưới chân thác Pam Bok.

Land Split
Cầu tưởng niệm Tha Pai
Cầu tre Boon Kho Ku So
Ảnh chụp lúc cả bọn đang ngồi trên xe tải của Pure để đi đến thác Pam Bok
Ảnh chụp lúc cả bọn đang ngồi trên xe tải của Pure để đi đến thác Pam Bok
Cả bọn ăn trưa dưới chân thác Pam Bok
Bữa trưa được chuẩn bị từ lúc sáng

Công việc ở Tacomepai không nhiều như tôi nghĩ, do thời điểm tôi đến farm, chưa phải dịp mùa màng. Pure bảo, phải tầm sang tháng thì mới bận rộn, lúc đấy lúa chín, mọi người sẽ gặt, phơi lúa rồi đóng gói bảo quản, những ngày này chúng mình chủ yếu đi gieo hạt, trồng thêm ít cây thôi.
Ngày tiếp theo, tôi cùng mấy người bạn theo chân Pure đi ngắm nghía mọi ngóc ngách của Tacomepai. Pure chỉ chúng tôi công việc thường ngày của tình nguyện viên, những công trình đã hoàn thiện và cả những dự án tương lai của farm. Ở đây có hàng trăm nghìn loại cây khác nhau, và có vẻ như tất cả loại cây mọc lên ở mảnh đất này đều có thể phục vụ một vài mục đích hữu ích nào đó.

Những ngày sau đấy, chúng tôi cùng nhau trồng thêm sả chanh ở vạt đất trống ven khu bếp, trồng thêm roselle (cây bụt giấm) và gieo coriander (hạt mùi) lên mấy luống mới được chia. Chán làm vườn, cả bọn quay qua sửa sang lại “buồng tắm” nhà tôi (Căn nhà tôi đang ở vẫn chưa hoàn thiện. Toilet và nhà tắm vẫn còn lắm thứ ngổn ngang). Tiếng nhạc, tiếng người trò chuyện, tiếng bước chân hoà thành thứ thanh âm đều đều, quen thuộc.

Sáng hôm đấy là một buổi sáng mát dịu, có chút mây và gió. Đang lúc chờ mọi người dậy để cùng ăn sáng, tôi tranh thủ ngồi hoàn thiện nốt chiếc thìa tre đang vót dở tối hôm qua. Có lẽ vì thấy tôi hăm hở với công việc này quá nên Pure bảo, lát anh đi chặt thêm tre rồi tôi tha hồ vót đũa, vót thìa cả ngày. Và vây là hôm đấy tôi không đi cuốc đất, gieo hạt mà dành nguyên ngày làm đủ thứ từ khúc tre Pure mới chặt. Pure hướng dẫn tôi cách dùng dao để chẻ tre, vót tre. Một trong những dự định sắp tới của anh là biến căn nhà tôi đang ở thành một workshop dạy chế tạo các vật dụng từ tre.

Hì hục cả buổi sáng, và đây là thành quả! Tôi gọi nó là “Something” khi mấy đứa hỏi “Mày đang vót cái gì thế?”

Pure chậm rãi nhấp ngụm trà từ chiếc cốc tre đã được hong khô trong khói, nhẵn nhụi, mắt anh nhìn vào khoảng không xa xăm nơi ánh sáng ngọn đèn vàng không thể chạm tới. Tối đấy, mọi người ra ngoài vui chơi, thư giãn sau một ngày làm việc giữa bùn lầy, nắng gió, còn mỗi Pure và tôi – hai kẻ chán ghét sự ồn ào ở nhà. Tôi lôi bọc lá cỏ ngọt và bạc hà khô mang từ Đalat ra, thả một nhúm vào ấm nước đang sôi lăn tăn trên bếp trong lúc Pure ngồi nhớ lại những tháng ngày trước đây của mình. Pure kể tôi nghe những thay đổi của anh và lý do anh từ bỏ tất cả để quay về với thiên nhiên, với đất trời. Pure bảo, anh thấy đủ với mọi thứ và chẳng cần gì hơn. Anh yêu nơi này và không hề muốn rời bỏ nó. Ở đây, anh tìm thấy chính mình. Ở đây, anh là chính anh. Thời gian trôi qua, mỗi người trong chúng ta rồi sẽ biết chọn cho mình một con đường để đi, một cuộc đời để sống. Chỉ cần chúng ta không thôi tin rằng vẫn đâu đó luôn có một con đường cho riêng mình. Pure đã tìm thấy con đường của anh, con đường về với thiên nhiên, về với đất mẹ. Pure của ngày trước vỡ vụn, cô đơn, lạc lõng và ở thật gần với cái chết. Pure của hôm nay là một anh nông dân tự do, an vui, lấy ruộng lúa, gốc tre làm bạn mỗi ngày.

Đôi chút về Tacomepai Farm

Tacomepai Farm là một nông trại hữu cơ truyền thống sử dụng các nguyên tắc trồng trọt thuần tự nhiên ở Thái Lan. Mục tiêu chính của farm là phát triển các kỹ thuật trồng lúa và rau củ theo hướng tự nhiên, ít tác động từ bàn tay con người – không cày bừa, bón phân, nhổ cỏ (Tacomepai áp dụng nguyên tắc canh tác tự nhiên của cụ Masanobu Fukuoka – tác giả 2 cuốn sách Cuộc Cách Mạng Một Cọng Rơm và Gieo Mầm Trên Sa Mạc, ông tổ của ngành nông nghiệp tự nhiên).

Ngoài ra, Tacomepai còn có các dự án xây dựng nhà ở, công trình sinh hoạt từ các nguyên vật liệu thân thiện với môi trường như Nhà bùn (Mudhouse), Nhà tre (Bamboo house), nhà trên cây (Tree house),….

Tacomepai luôn mở cửa chào đón các bạn tình nguyện viên từ khắp mọi nơi trên thế giới đến để trải nghiệm, học hỏi và chia sẻ giá trị sống.

Tacomepai thuộc tỉnh Mae Hong Son, một tỉnh phía Bắc, Thái Lan, cách Pai 6km. Để đến được Tacomepai, bạn cần bắt xe buýt từ Chiang Mai đi Pai. Cổng farm ở ngay gần trục được chính nên khá dễ tìm. Có 2 cách phổ biến đến Tacomepai:

  • Bạn đi thẳng đến Pai, rồi sau đó bắt taxi vào Tacomepai
  • Bạn nhờ tài xế cho xuống xe ở điểm ngay gần Tacomepai nhất. Thường thì hầu hết các tài xế xe đều biết Tacomepai nên bạn chỉ cần bảo mình muốn đến Tacomepai, tài xế sẽ nhắc bạn xuống khi đến nơi. (Tôi chọn cách đi này vì nó thuận tiện và tiết kiệm hơn).

Điều đặc biệt ở Tacomepai

Thực hành nông nghiệp thuận tự nhiên

Nông nghiệp thuận tự nhiên theo cụ Fukuoka là một nền nông nghiệp sinh thái, nó gợi ý về việc hạn chế cải tạo và can thiệp vào quá trình sinh trưởng và phát triển tự nhiên của thực vật. Chính vì thế đây còn được gọi với cái tên “phương pháp thiền trong nông nghiệp”. Pure cũng đã áp dụng chính những nguyên tắc này vào trong việc trồng trọt ở Tacomepai. Ruộng lúa anh đang trồng chính là kết quả của gần 3 năm kiên trì áp dụng. Pure bảo, những vụ lúa đầu tiên đạt được năng suất rất thấp, và gần như mất trắng do đất đang trong quá trình hồi phục. Nhưng rồi qua thời gian, anh bắt đầu chứng kiến hiệu quả của phương pháp canh tác này. Tôi có thể cảm nhận được tình yêu anh dành cho ruộng lúa của mình. Một hôm, lúc đang ngồi uống trà, tôi có hỏi anh rằng anh đã từng chuyện trò với bọn cây anh trồng chưa. Pure bảo, gần như ngày nào anh cũng ra ngắm và thì thầm với đám lúa của mình.

Sống bền vững

Ở Tacomepai, rác sẽ được thu gom và phân loại.

  • Rác hữu cơ, dễ phân huỷ: Thức ăn dư thừa, hỏng sẽ được dùng để ủ phân
  • Rác vô cơ: Đưa đến cơ sở xử lý rác thải
  • Rác tái chế: sẽ được phân thành các loại khác – giấy, nhựa, kim loại, thuỷ tinh – và sau đó sẽ đưa đến cơ sở tái chế.
Nơi tập kết và phân loại rác thải
Nhà Vệ sinh khô (Compost toilet)

Trải nghiệm dựng nhà sinh thái

Nhà và các công trình ở Tacomepai chủ yếu sử dụng các nguyên vật liệu tự nhiên/ tái chế – bùn đất, tre, gỗ, lá cây, eco brick. Những nguyên liệu xây nhà thông thường như xi măng, bê tông, sắt thép luôn nằm trong danh sách hạn chế. Chúng chỉ được dùng khi thực sự cần thiết.

Nhà bùn ở Tacomepai
Nhà tre ở Tacomepai
Nơi mọi người cùng tập Yoga mỗi sáng

Trao đổi kiến thức, văn hoá và ẩm thực

Ở Tacomepai, gần như ngày nào cũng có tình nguyện viên từ mọi nơi trên thế giới đến trải nghiệm. Cũng nhờ đó mà Pure học được thêm nhiều món ăn mới lạ. Những ngày ở đây, tôi có dịp thưởng thức thêm các món ăn của Thái, Nhật, Pháp, Trung (tất cả các món ăn ở đây đều là đồ chay. Chúng tôi không ăn thịt. Hầu hết nguyên liệu nấu nướng đều từ farm). Tôi cũng có chỉ mọi người cách làm món Phở “Chay” của người Việt. Ngoài ra, chúng tôi còn ngồi lại và kể nhau nghe những câu chuyện trải nghiệm, những nét văn hoá và cả kiến thức lịch sử của đất nước mình.

Học thêm được nhiều điều mới

Những ngày ở Tacomepai, tôi còn có dịp học thêm được nhiều thứ mới mẻ, hay ho như

  • Làm xà bông từ quả bồ hòn
  • Làm than hoạt tính
  • Gieo hạt, trồng cây
  • Biết thêm nhiều loại cây mới và công dụng của chúng

Sống chậm, sống giản đơn, gần gũi với thiên nhiên, đất trời

Tacomepai luôn im ắng. Nhắm mắt, bạn sẽ nghe thật rõ tiếng côn trùng, tiếng lá reo trong gió và cả nhịp thở của chính mình.
Tacomepai luôn rất chậm, rất yên. Không hề có sự hối hả, gấp gáp, không hề có lo lắng, ganh đua, chen chúc. Tacomepai là thế giới của những kẻ thèm khát được đứng trước thiên nhiên mà soi bóng lòng mình.

Những ngày ở Tacomepai là những buổi sáng mờ sương, im phăng phắc, là những buổi chiều nắng vàng len lỏi từng tán cây, là những buổi đêm gió mải mê thì thầm với lá, là những bước chân nhẹ, những câu chuyện kể nhau nghe. Tôi biết, mình sẽ quay lại nơi này và sẽ đến những nơi khác nữa – để sống và để lắng nghe.

Just be,


2 responses to “Những ngày ở Tacomepai Farm”

    • Cảm ơn bạn đã ủng hộ. Mình sẽ thu xếp thời gian để viết thêm nhiều bài viết hơn trong thời gian tới ạ 🙂

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *