[Sách] When Breath Becomes Air


Tôi đọc cuốn sách vào một ngày cận Tết, khi mọi thứ vẫn chưa đâu vào đâu, còn bản thân thì vẫn chưa dứt ra được nổi ám ảnh về việc sống một cuộc đời trọn vẹn. Đây là cuốn sách cuối cùng tôi đọc trong năm 2017. Và thật tình cờ khi hai cuốn sách tôi vừa mới đọc ngay trước đấy cũng đều viết về bệnh tật và cái chết. Trời lạnh, gió rít qua từng khe cửa sổ, luồn vào căn buồng tôi ngủ. Tết năm nay, phần lớn thời gian tôi ở trong nhà, mà chủ yếu vẫn là nằm cuộn trong chăn ngấu nghiến từng trang sách. Tôi không rõ đó là do ốm hay do bản thân tôi không muốn chuyện trò, tiếp xúc với người khác. Hoặc cũng có thể, những cuốn sách hay đã làm tôi quên đi cuộc sống thường ngày vốn có, và quên luôn cả những chênh vênh đang làm ngộp thở bản thân mình. Tôi vẫn thương tự hỏi bản thân “liệu có còn sự sống sau cái chết“? Và hóa ra, cũng như bao người khác, tôi luôn sợ phải đối mặt với khoảnh khắc “hơi thở hóa thinh không”.  When Breath Becomes Air, không chỉ đơn thuần là một cuốn hồi ký về cuộc đời Paul, nó còn là những lời nhắn nhủ đến chúng ta, hãy sống một cuộc đời ý nghĩa.

Paul tận hưởng những khoảnh khắc còn sót lại cùng vợ và con gái của mình

Vậy điều gì làm cho cuộc đời mỗi người trở nên ý nghĩa?

Tốt nghiệp Stanford với bằng cử nhân và thạc sỹ văn học Anh, Paul Kalanithi đồng thời là một thạc sỹ ngành triết học khoa học và y học tại trường Cambridge. Chưa một lần anh ngừng yêu việc viết lách, nhưng Paul quyết định chọn y học và não bộ là con đường đi của mình. Cũng chính bởi vì từ thuở còn là một cậu bé, Paul luôn đau đáu những câu hỏi về cuộc đời,  “Rốt cuộc điều gì khiến cuộc đời chúng ta đáng để sống”. Những tưởng văn học và triết học sẽ giúp anh có được lời giải đáp, nhưng rồi sau đấy chính anh đã nhận ra, có lẽ y học thần kinh mới là cánh cửa anh cần bước vào.   Bỏ lại đằng sau ngọn lửa đam mê văn học vẫn không ngừng cháy, cậu bé Paul năm nào giờ đã trở thành một bác sĩ phấu thuật thần kinh xuất sắc, nhờ chính đôi tay và trí tuệ của mình. Cũng giống như bao bác sỹ khác, cả năm tháng tuổi trẻ của Paul bắt đầu quen dần với sự chết chóc và bệnh tật. Những bệnh nhân của anh, những người bạn, người anh quen biết, không ít trong số đó đã vội ra đi khi trang sách cuộc đời vẫn đang viết dở. Nhưng liệu Paul có quen được không khi chính anh cũng sẽ sớm phải từ biệt cuộc đời?

“Even if I’m dying, until I actually die, I am still living.”

Paul phát hiện ra mình mắc bệnh ung thư khi đang ở tuổi 37, khi mà sự nghiệp đang ở hồi quan trọng, và câu hỏi từ thuở xưa vẫn còn đó, mong chờ một câu trả lời trọn vẹn từ anh. Mọi thứ tưởng chừng như sụp đổ trước mắt, những hi vọng, ước mơ tưởng chừng như đang dần mờ đi, nhường chỗ cho sự đớn đau khi tranh đấu với bệnh tật mỗi ngày. Cuộc đời vô thương, ranh giới giữa sự sống và cái chết luôn mong manh. Không ít người trong chúng ta sợ hãi, và đau khổ khi nghĩ về cái chết, về một ngày khi tất cả bị vỡ tan, và sự sống bỗng dưng bị dập tắt ngay trước mắt. Paul cũng là một con người, anh có khóc, có hoảng sợ, có lo lắng. Nhưng anh không hề sụp đổ, những hi vọng của anh luôn cháy, dẫu cho nỗi đau về thể xác vẫn không ngừng hành hạ anh. Chấp nhận sự thật, chấp nhận rằng sớm thôi anh sẽ phải chia tay sự sống, chia tay những người thân thương nhất của mình, Paul quyết tâm dành trọn mọi phút giây còn sót lại để tận hưởng cuộc sống, và để tìm lời giải đáp cho những trăn trở bấy lâu của mình.

“Điều gì khiến cuộc đời chúng ta trở nên đáng sống dù biết rằng mình sắp phải ra đi?”

Just be,

,

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *