Bangkok – Nhật Ký Những Ngày Lang Thang

Bangkok

2018.12.01 – Trên chuyến tàu Chiang Mai – Bangkok

Tôi đang ngồi trên tàu đến Bangkok và tự hỏi không biết thành phố sầm uất này sẽ chào đón mình với những bất ngờ nào. Mặt trời đang từ từ lăn xuống. Từ hôm quay lại Chiang Mai, có lẽ đây là buổi hoàng hôn đẹp nhất tôi có dịp ngắm. Tôi ngồi lặng yên, chiêm ngưỡng lớp ráng chiều vàng rực ôm trọn đám cỏ lau vào lòng mình, thật khẽ. Khoảnh khắc này, dẫu có dùng bao nhiêu ngôn từ mĩ miều cũng chẳng tài nào diễn tả hết được. Được ngắm hoàng hôn, dù qua cánh cửa toa tàu lửa, vẫn luôn là một niềm an ủi lớn lao dành cho kẻ lang thang một mình nơi xứ lạ. Dongdong (Đồng Đồng), cô gái người Tây Tạng ngồi ghế đối diện, có vẻ cũng đang bị rung động bởi vẻ đẹp của ánh chiều tà. Mang trong mình dòng máu của miền đất chư thiên, nơi tôi luôn ao ước một lần được đặt chân đến, Dongdong nhanh chóng trở thành người bạn tàu của tôi trong suốt 12 tiếng đồng hồ sắp tới. Điểm dừng tiếp theo của Dongdong là Nepal, nơi cô bạn sẽ ở lại cùng người quen và có tận 2 tháng trời để khám phá. 

Tôi đặc biệt thích đi tàu ở Thái. Ngoại trừ việc tiết kiệm được kha khá chi phí đi lại, tôi còn có dịp ngắm nhìn mảnh đất này một quãng đường dài xuyên suốt. Vé tàu từ Chiang Mai tới Bangkok của tôi có giá 581 Baht – 2nd Class & Lower Bed with Fan. Nếu so với vé tàu Việt Nam thì cái giá 581 Baht này thực sự chẳng nhằm nhò gì. Điều thú vị ở những chiếc giường trên tàu lửa Thái Lan là chúng sẽ được gập thành ghế vào ban ngày để hành khách nằm ở giường trên hay dưới có thể ngồi cùng nhau và ngắm nhìn khung cảnh từ cánh cửa kính toa tàu. Đến tầm khoảng 6,7 giờ tối, nhân viên trên tàu sẽ đến từng toa để bung ghế thành giường và treo cả rèm để bạn có thêm chút riêng tư. Tất cả hành lý sẽ được để ngay ngắn trên những chiếc giá đỡ kim loại. Nếu cẩn thận, bạn có thể khóa balo lại. Duy chỉ có một điều bất tiện cho hành khách nước ngoài là mọi thông báo trên tàu đều bằng tiếng Thái. Để biết được lúc nào sẽ tới ga bạn cần xuống thì chỉ còn cách hỏi ai đó hoặc dùng Google Maps mà thôi.

Lúc chiều, trên đường ra ga, tôi có ghé vào chợ để mua chút Salad rau củ cho bữa tối hôm nay. Chẳng biết lần tới mua salad ở đây sẽ là lúc nào. Nhưng thôi, ngủ một giấc đã. Vì ngày mai sẽ là một ngày mới.

2018.12.02 – Ga Hua Lamphong

6:45 AM – Tôi đang ngồi ở ga Hua Lamphong, chờ điện thoại nạp thêm chút pin. Chiếc điện thoại iphone 4 cũ rích được anh họ cho từ hồi nào giờ đang ngày càng trở nên “bớt tin cậy”. Rõ ràng tôi không hề dùng điện thoại trong suốt quãng thời gian ngồi tàu, vậy mà pin vẫn tụt một cách vô cùng khủng khiếp – từ 98% tới “sập luôn nguồn”. Sạc dự phòng không thèm mang theo, và thậm tệ hơn khi ở ga Hua Lamphong còn chẳng có chỗ sạc pin công cộng. Sau một hồi chạy tìm chỗ sạc nhưng thất bại, tôi đành đến nhờ vả nhân viên nhà ga. Hóa ra ở đây, để sạc pin bạn cần đến quầy lưu trữ hành lý (Luggage Storage) và giá mà tôi phải trả cho mỗi lần sạc pin điện thoại là 30 Baht (Bangkok đúng là biết đùa với người mà!). 


10:30 AM – Cuối cùng thì cũng đã về tới hostel. Chỉ với 6.50 Baht, tôi đã có thể về hostel một cách dễ dàng tới mức đáng kinh ngạc. Vậy mà lúc ngồi trong ga, cứ loay hoay mãi vì không biết nên đi bằng phương tiện gì. Dongdong thì đã bắt MRT tới Don Muang để kịp chuyến bay sang Nepal. Còn để về hostel, MRT hay BTS hay đi thuyền đều không tiện, cách nhanh nhất là đi Grab moto nhưng xem trên app đã tận 98 Baht. Với niềm tin rằng chắc chắn phải có buýt ở đâu đây, vậy là tôi vác balo, đi về phía cổng nhà ga và hỏi mấy người địa phương vị trí trạm xe buýt gần nhất. 

Cảm giác ngồi buýt ở Bangkok thật thú vị, cứ như thể tôi đang quay ngược lại thời gian, trở về với Hà Nội xưa, khi những chiếc xe buýt vẫn đang rất giản đơn, không được sơn sáng bóng, cũng chẳng có điều hòa mát lạnh. Tôi ngồi trên ghế, bên cạnh là cánh cửa sổ bằng kính xập xệ được mở toang để đón làn gió trong lành buổi sáng sớm. Xe lao nhanh trên những con đường trong thành phố, nghiêng ngả mà dứt khoát. Đây có vẻ là một trong những chiếc buýt già cỗi còn sót lại của Bangkok-đang-chuyển-mình. 

Tuyến buýt tôi đi là tuyến số 53, nằm ngay cạnh cổng ga Hua Lamphong. Điểm xuống của tôi cách hostel tầm 5-10 phút đi bộ. Sau khi xuống xe, tôi lần theo bản đồ để đến hostel – nơi sẽ ở trong 3 ngày tới. Bangkok ngột ngạt, ồn ào và nóng nữa! Tôi biết khi đến bất kỳ một thành phố nào, đấy là 3 tính từ đầu tiên mà tôi sẽ dùng để miêu tả nó. Có thể nếu ở lại đủ lâu, tôi sẽ tìm được nhiều từ tích cực hơn để nói về thành phố, để kể về những con người, để viết những câu chuyện thật hay. Nhưng chỉ là một kẻ lang thang, trong đầu lúc nào cũng nhẩm đếm từng ngày, từng ngày một được đi được ngắm nhìn thế giới, vì vốn dĩ quỹ thời gian tích góp được vô cùng eo hẹp, thì làm sao có thể ở lại bất kỳ đâu thật lâu cho tới khi bản thân thấy thực sự “đủ”. 

2018.12.03 – Bến phà Sathorn-Taksin

6:00 AM – Tôi đang ngồi vừa nhâm nhi cốc trà đậu biếc mua ở Vegetarian Society vừa ngắm góc phố từ ban công hostel. Nói là ban công chứ thật tình không hẳn, vì dù cho tôi có thể thấy được bầu trời nhưng nó chỉ là một vùng nhỏ tí xíu. Tôi thì lại thèm khát những thứ bao la. Thật kỳ lạ, khi bắt gặp những thứ nhỏ xinh, đáng yêu, tôi luôn muốn lôi máy ảnh ra ghi lại hoặc ngồi ngắm quên trời quên đất. Vậy mà lúc đứng trước sự bao la, mênh mông vô tận, điều tôi muốn làm duy nhất là khép mắt lại và để mặc sự bao la nuốt trọn thân thể mình, để cảm nhận rõ hơn những thanh âm trong trẻo, để thấy mình trong suốt và tan ra, để thấy mình chẳng là gì cả giữa cái ngút ngàn của vũ trụ. Hôm nay, tôi sẽ lang thang một vòng Bangkok và đi gửi bưu thiếp cho một vài người bạn ở nhà. Hi vọng họ sẽ nhận được (vẹn nguyên). 

Tôi cần tìm một vài lý do để yêu thương thành phố xô bồ này. Có lẽ tôi cần những câu chuyện, cần bóng dáng những con người…


5:30 PM – Bến phà Sathorn bắt đầu thưa thớt người dần. Tôi đang ngồi tựa lưng vào thành ghế, chờ đợi con tàu có lá cờ màu cam để về lại hostel. Bầu trời lúc này đẹp quá. Những tia nắng vàng cuối cùng trong ngày rón rén len lỏi vào giữa dòng người đang xếp hàng chờ tới lượt lên tàu. Tôi chìa tay, cố chạm lấy vạt nắng vàng đang khẽ đưa mình trên thanh ghế dài trước mặt. Những tòa nhà cao tầng ở phía bên kia dòng sông cũng đang được ôm ấp vỗ về dưới bóng hoàng hôn. Những gợn sóng nhỏ lăn tăn trên mặt hồ nom như vừa được dát một lớp vàng kim óng ánh. Tôi đã nghĩ là sẽ ngồi lại đây ngắm bầu trời cho tới khi vệt nắng vàng cuối cùng biến mất nhưng rồi chợt nghĩ, ngồi thuyền ngắm hoàng hôn có lẽ cũng không tệ chút nào. Và tôi đã đúng. Làn da trời giờ đã chuyển sang màu tím đỏ. Bóng tối đang chầm chậm chạm lấy từng góc của Grand Palace. Thi thoảng, mấy tia nước bắn tung tóe, bất ngờ chạm vào da thịt, mát rượi. Nhìn từ thuyền, mọi thứ trước mắt chẳng khác gì một bức tranh sơn dầu của người họa sĩ trót yêu màu chiều tím. Người họa sĩ này hẳn phải hồn nhiên lắm mới nhuốm thứ màu mê hoặc này lên hết tấm vải canvas treo ngay trước mặt mình. 

Bến phà tôi xuống là bến N.13. Giờ lại tiếp tục cuộc bách bộ về lại hostel. Đôi chân bước cứ như thể đã thạo hết mọi ngõ ngách, mọi con đường ở đây. Thôi thì cứ mặc kệ chúng nó. 

Bước mãi thì con phố Khao San sầm uất cũng buộc phải xuất hiện. Sự ồn ào, huyên náo ở con phố khiến tôi thấy ngộp thở. Xung quanh tôi đều là dân du lịch. Sự mời chào, thứ âm nhạc ầm ĩ, tiếng cười nói rôm rả,… Ngay lúc đấy, tôi chỉ muốn trốn tới một nơi thật yên tĩnh. Việc chọn ở đây 3 ngày là một điều vô cùng sai lầm. Vì rõ ràng, những nơi như này chẳng bao giờ hợp với một đứa như tôi. Thi thoảng, lướt qua những người vô gia cư đang cuộn tròn trong chiếc chăn bung chỉ ngủ ngon lành bên vệ đường hay khi bắt gặp những người bán hàng rong đang miệt mài với công việc mưu sinh sớm tối, tôi lại thấy xã hội này thật bất công biết bao. Có lẽ những người này, họ không có lấy một ngày cuối tuần thư giãn bên gia đình chứ đừng nói đến việc đi du lịch ở một đất nước không phải đất nước của mình. 

Sau khi ăn xong một đĩa Pad Thai Egg 40 Baht và lang thang tới một vài tiệm quà lưu niệm để lượm thêm dăm ba tấm bưu thiếp, tôi trở về hostel, tắm rửa rồi đọc tiếp cuốn Kira-Kira. Đây là cuốn yêu thích của một người bạn tôi quen và anh bảo, mỗi lần nghe hay bắt gặp từ Kira-Kira ở đâu đấy, anh lại cảm thấy lòng phần nào an vui hơn.

2018.12.04 – Công Viên Santi Chai Prakan

Hôm nay tôi lại lang thang mọi ngõ ngách của Bangkok, hòng muốn chụp thêm dăm tấm hình, lưu lại cuộc sống thường ngày ở nơi đây, lại vừa muốn để mình đi lạc. Cảm giác biết mình đang lạc và cho phép bản thân tiếp tục lạc luôn luôn tự do vì không biết điều gì đang chờ đợi phía trước, vì không biết nên hay không nên rẽ hướng nào, đi con đường nào. Vậy là chân bước những bước tự do, và trái tim, trực giác tùy ý làm điều chúng muốn, không bị lý trí hay bất cứ điều gì khác điều khiển. Hôm nay, tôi rẽ hướng khác để bắt đầu hành trình đi lạc. Hướng ngược với hướng của ngày hôm qua. Tôi men theo những con đường nhỏ hơn, rồi tình cờ đi dọc bờ sông qua những con hẻm nhỏ, gặp những người bán hàng rong đang lim dim mắt ngủ ngon lành và những sạp hàng, quán xá trống hoắc, chỉ còn những chiếc bàn, chiếc ghế nằm trơ trọi giữa nắng vàng. Buổi trưa ở Bangkok nóng hơn tôi nghĩ. Từng vạt nắng vàng ươm vắt ngược nhánh cây xanh đang đứng thật yên đợi gió. Bỗng dưng tôi thèm ăn chút gì đó mát lạnh…

Lúc viết những dòng này, tôi đang ngồi giữa bãi cỏ ngay dưới tán cây xanh trong một công viên không rõ tên ở Bangkok (đó là công viên Santi Chai Prakan, mãi nhiều ngày sau tôi mới biết). Thật tình cờ là sau mấy tiếng đồng hồ đi lạc, tôi lại đến đây – công viên cạnh bờ sông Chao Phraya, nơi tối qua tôi có rẽ vào sau khi xuống thuyền. Điều này có nghĩa là nơi đây rất gần hostel tôi ở. Hay nói cách khác, tôi hoàn toàn biết đây là đâu và cũng có nghĩa là tôi không hề lạc. 

Và kỳ lạ thay khi tôi luôn có một sự quan tâm đặc biệt tới những hòm thư nhỏ đặt trước cổng các ngôi nhà. Những hòm thư cũ kỹ, đã phai lớp sơn đỏ ở ngoài, chỉ còn lại những vết hoen rỉ của thời gian. Liệu bên trong, người ta có tìm thấy một lá thư tay mà người thương của họ gửi? Liệu có ai đó ngày ngày mở hòm thư chỉ vì lòng luôn mong chờ hình hài của một điều gì đấy thật gần, thật quen? Liệu có cô/ cậu nhóc nào lẻn ra cổng vào mỗi sáng sớm, mắt dính chặt vào hòm thư nhà mình, lòng thấp thỏm ngóng đợi một điều kỳ diệu xảy đến? Lá thư từ ông già Noel hay thư từ người bạn trong trí tưởng tượng của mình? Liệu có ai?

Những hòm thư tôi bắt gặp đều có màu đỏ. Tại sao hòm thư thường có màu đỏ? Sao vậy nhỉ? Có lẽ tôi sẽ tự đi tìm câu trả lời vào một lúc nào đấy. Còn giờ, hãy ngả lưng xuống thảm cỏ xanh mát mà ngắm nhìn bầu trời và những đám mây trắng đang lơ lững, lơ lững… 

2018.12.05 – Bangkok lúc bình minh

Tôi đang ngồi ngoài bờ sông sau một hồi dạo bộ các con hẻm nhỏ ở Bangkok. Hôm nay, tôi dậy thật sớm để ngắm thành phố buổi bình yên, như một nghi thức hay thói quen khi đi lang thang. Dù có đến nơi nào đi nữa, điều tôi muốn (và cần) làm là ngắm nhìn nơi đó thật lâu khi bình minh lên và cả lúc chiều tà. Ngồi ở đây mát quá, không như ở hostel. Ở đây tôi nghe rõ tiếng nước bắn khi mấy con cá ngoi lên đớp đồ ăn, tiếng xe, tiếng người, tiếng của sự yên bình, tiếng của buổi sớm mai. Nghĩ lại, vẫn không hiểu tại sao tôi lại chọn ở một hostel gần khu vực nhộn nhịp này để rồi hằng đêm, lúc đi ngủ vẫn nghe rõ mồn một tiếng nhạc dập dình ỏm tỏi. Nhưng thôi, dù sao thì tôi cũng sẽ check out hôm nay và Bangkok thì chẳng có câu chuyện nào để nhớ về hay kể lại. Tối hôm qua, tôi leo lên giường ngủ thật sớm. Trong lúc đang mê man ngủ, ánh sáng của ngọn đèn neon và tiếng nói chuyện của hai bạn du khách người Việt khiến tôi giật mình tỉnh giấc. Dẫu có cố gắng an ủi mình như thế nào thì chi tiết nhỏ này cũng khiến tôi thấy thật khó chịu. Bất giác tôi nhớ Mapping và mọi người…

Đọc thêm: Chiang Mai – Mapping và Những điều chưa kể

Bangkok buổi sáng sớm như nào nhỉ? Trời vẫn nóng, xe vẫn lũ lượt lao nhanh trên đường và quán xá thì đã mở cửa từ lâu. Tôi quên Bangkok là thành phố không bao giờ ngủ. Mặt trời dần lên cao, hắt xuống thứ ánh nắng vàng yếu ớt đầu tiên của ngày, thổi sáng những ngôi nhà ven sông và thổi sáng mặt nước một quãng dài lấp lánh. Bọn cá, bọn chim và cả cá sấu con (nếu tôi không nhìn nhầm nhưng nom rất giống), đang tận hưởng chút nắng mai ngắn ngủi. Trông chúng tự do biết bao. 

Lúc nãy tôi có đi ngang qua một con cầu nhỏ bắc ngang sông và thấy vài người đang thả những vụn bánh mì nhỏ xuống sông cho cá. Họ say sưa ngắm nhìn đàn cá đang tranh nhau ăn bữa sáng. Họ đang nghĩ gì, tôi tự hỏi. Việc cho cá ăn là một niềm vui nho nhỏ đầu ngày mà họ muốn tận hưởng, là một nghi thức hay nó mang một ý nghĩa sâu xa hơn? Ước gì có ai đó ở đây nói được tiếng Anh, vậy là tôi sẽ không cần phải ngồi viết những dòng này trong nỗi băn khoăn không lời giải đáp.

Just be,

(Trích Travel Journal – Bangkok, 2018.12)



Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *