Hồ Ba Bể, một chiều cuối tháng tư


Đầu tôi quay quay không tài nào an yên được. Lúc này tôi chỉ muốn được ăn cơm rồi leo lên giường ngủ cho kì hết cái chứng đau đầu chết tiệt. Giọng tôi mỗi lúc một khàn đặc lại…

Những lúc như vậy tôi lại thấy mọi thứ bàng bạc, những khát khao, mong mỏi, hi vọng xưa nay không ngớt dồn dập ngay bên trong lồng ngực cứ thế mờ dần đi. Con đường phía trước dài dằng dẵng, liệu tôi có đủ sức để đi đến cùng hay không? Hay sẽ dừng lại và quay về với những gì vốn vẫn quen thuộc? Tôi nghĩ đến Cheryl, với chiếc balo to vật vã đang bước những bước chông chênh, vô định trên cung đường Pacific Cest Trail toàn bụi gai, toàn một màu nâu của đất và đá. Tôi nhớ bàn chân sưng tấy vì đi bộ đường dài của chị. Cheryl có từng muốn quay về không? Lúc này tôi không còn rõ và cũng chẳng buồn quan tâm đến câu trả lời. Tôi quá mệt để nghĩ được nhiều những điều như thế.

Là thử thách hay là tự hành xác bản thân?

30km nữa mới đến chợ Rã, tôi muốn nôn ra hết thảy những gì đang lơ lửng trong bụng. Tôi muốn dừng xe mặc kệ trời đang tối dần và xung quanh là rừng núi hoang vu không một bóng người, không một đốm sáng của đèn điện. Gió rít khẽ qua khe cửa kính của chiếc ô tô già nua, sần sùi và sặc mùi mồ hôi quyện mùi xăng xe. Kinh dị. Tôi nắm chặt lấy những ngón tay và cố hít thở thật sâu để “đánh lạc hướng” con quái vật đang kêu gào ầm ĩ bên trong cơ thể.

“Tôi đi như này để làm gì? Những chuyến đi hành xác sẽ giúp ích gì cho bản thân tôi? Từ bỏ cuộc sống muôn màu ở nơi đây có phải là một quyết định sai lầm? Hay những gì tôi tự vẽ ra sẽ không bao giờ có thật? Hay tham sân si với đời vẫn đang quấn chặt lấy tôi?”

Xe sẽ không chạy vào hồ mà dừng ở thị trấn, nghĩa là để vào đến chỗ homestay, chúng tôi sẽ phải ngồi xe ôm thêm 17 cây số nữa. Tôi không nghĩ con đường đi đến Ba bể lại xa và phiền phức như vậy. Có lẽ đường núi đi lâu còn tôi thì quá chủ quan không tìm hiểu trước đó.

Thị trấn Chợ Rã cuối cùng cũng ló dạng khi bóng đêm đen đã phủ kín khắp mọi ngõ ngách, lối đi. Vài hạt mưa lất phất bám vào cửa xe rồi vội vã trôi tuột xuống chưa kịp nghỉ ngơi, cứ như thể chúng đang lo sợ nếu ở lại thêm chút nữa sẽ bị con bé ngồi trong xe nuốt chửng. Phía ngoài kia người ta đang cười nói xôn xao, tiếng rao bán, tiếng còi xe xen lẫn tiếng loẹt quẹt của mấy đôi dép nhựa làm náo loạn cả một vùng trời. Tôi thoáng ngửi thấy mùi chợ quê xưa cũ. Nhưng giờ tôi cũng chả bận tâm nữa rồi, còn đâu sức để suy tư hay hoài niệm cơ chứ! Tôi còn chẳng nhớ mình đã vui hay buồn khi nghe anh tài xế bảo có một xe khách đang chuẩn bị vào hồ và nghĩa là chúng tôi sẽ không cần phải đi xe ôm nữa. Tôi sợ ngồi xe lắm… Nhưng biết sao được, ngồi xe máy 17 cây số cũng đâu có đỡ hơn bao nhiêu. Vậy là hai đứa tôi lại khệ nệ vác balo sang chiếc xe mới để đi tiếp. Cũng may cho tôi khi chuyến xe này không lắc lư như chuyến trước. Ít nhất thì tôi không còn thấy chóng mặt nữa. Tôi không háo hức hay mong chờ nhiều cho chuyến đi này, nhưng tất nhiên cũng không phải là cảm giác chán chường, mệt mỏi. Bởi ngay lúc đầu tôi đã nghĩ đây là chuyến đi nghĩ dưỡng của mình. Tôi muốn tâm trí mình ổn định và nhẹ nhàng trở lại. Tôi muốn được thở, và hít một chút khí trời, muốn tắm màu xanh cây lá cho đôi mắt đang mờ đi vì chứng cận thị, muốn một chốn yên bình không vướng chút ồn ào, bụi bặm của phố thị đông người. Ừ, cứ cho tôi là một kẻ trốn chạy cuộc đời cũng được!

Anh lái xe đã không lấy tiền chúng tôi, ít nhất giờ đã có một đốm sáng của lòng tốt bụng. Thực lòng tôi luôn bị ám ảnh bởi việc chặt chém khi đi như một vị khách du lịch (mặc dầu nào ai biết tôi chỉ là một kẻ lang thang). Tôi không trách người dân đia phương, có thể đấy là cách duy nhất để họ có thêm dăm ba đồng đi chợ. Nhưng tôi luôn giữ cái suy nghĩ đó trong đầu mỗi lúc đến đâu đó xa lạ.

Và giờ thì tôi mới nhận ra là bản thân mình vẫn còn nhiều mâu thuẫn quá… Nhưng thôi, chuyện này nói sau. Tôi và bạn vừa về đến homestay, tạ ơn trời đất!

Homestay của chúng tôi nằm ở bản Pó Lù. Nhiều người bảo nếu đến Ba Bể thì sang bên bản Pác Ngòi mà ở. Bên đó dịch vụ homestay phát triển, lại đông vui, khách Tây thuê nhiều. Cơ mà giờ thì tìm đâu ra một chỗ mình thích chứ. Homestay nào cũng đã kín phòng rồi. Đấy là còn may cho hai đứa dở người bọn tôi nhanh nhảu chộp lấy cái phòng trống duy nhất còn sót lại ở đây chứ nếu không chắc giờ này vẫn đang ngồi ở nhà – mơ những giấc mơ cũ rích. Mà đúng là may thật bởi căn phòng chúng tôi ở đáng yêu kinh khủng. Phòng có cửa sổ nhìn ra mặt hồ xanh im lìm không gợn sóng, có góc ban công nho nhỏ đầy nắng và hoa, có bộ bàn ghế gỗ cho hai đứa tha hồ “sống ảo” (sống ảo :x).  Ngay gần đấy ở phía dưới kia là bãi cỏ xanh non, và mấy chú trâu đang mải mê gặm cỏ, gần nữa là dăm ba chú vịt  đang hồn nhiên vẫy vùng dưới vũng nước nông. Đúng là sơn thủy hữu tình!

Lặng im và lặng đi

Sáng nay, sau giấc ngủ ngon bù lại những nhọc nhằn bản thân đã phải trải qua để đến được đây, tôi chính thức bị mất giọng. Gần như những lời phát ra đều không thành tiếng nữa. Chết tiệt. Giờ đến nói chuyện còn khó khăn huống chi chửi thề. Tôi không hiểu cơ nguyên gì đã khiến cổ họng mình bị tắc nghẽn. Cái lần gần nhất bị như thế này mà tôi có thể nhớ được cũng phải hơn chục năm về trước. Khi tôi còn là một con nhóc, da đen nhẻm, tóc xoăn tít mù mà ông anh họ vẫn thường gọi là bộ tóc mì tôm. Bây giờ nó lại tái diễn, và tái diễn vào đúng hôm tôi trốn đời chạy đi chơi! Được rồi, im lặng cũng tốt mà, nhỉ?

Hai đứa dở hơi đi vào đúng ngày nghỉ lễ nên giá cả cái chi cũng đắt đỏ đến sững người. Giá thuyền đắt gấp đôi, thậm chí gấp ba ngày bình thường. Chưa kể việc thuê được thuyền để đi cũng đâu phải dễ dàng gì. Mãi đến tận trưa, chúng tôi mới có thêm đồng bọn để đi chung thuyền – một đôi trai Tây gái Việt và một chị người Úc (Samara) ở phòng bên.

Giờ thì tôi hẳn là một vị khách du lịch đúng nghĩa. Đến nhìn thoáng qua, chụp dăm ba tấm hình rồi chuồn ngay lập tức. Đâu đâu cũng là khách du lịch, là những sạp hàng bưng bày đủ loại trên trời dưới đất. Là cơ man người một tay che nắng lững thững bước đi và cươi tươi rói giữa cái nắng vàng của một chiều cuối tháng tư đầy gió. Chúng tôi đi Động Puông, Thác nước, Đền An Mạ và Ao Tiên. Những đoàn khách du lịch kia hẵn cũng đã (hoặc sẽ) ghé qua những nơi đó. Tôi không quan tâm lắm mấy điểm đến này nhưng lại bị ngây ngất bởi sự tĩnh lặng và bởi mặt hồ trong xanh in đậm bóng núi mây trời ở ngay trước mặt. Tôi thích cảm giác ngồi trên thuyền, nhìn ra phía đằng xa, để gió thổi bay tóc và thổi bay luôn những suy nghĩ đang lửng lơ trong đầu.

Động Puông
Hoàng hôn rơi trên hồ
Cá nướng, Ao Tiên
Cờ phật giáo treo trong đền An Mạ
T chụp với màu xanh của cây và nước

Ngày cuối cùng, hai đứa mượn xe máy của anh chủ homestay để đi lượn lờ quanh hồ một chút. Pác Ngòi cách Pó Lù ngót nghét 3 cây số. Đường đi gồ ghề sỏi đá nhưng xanh mát kinh khủng. Thực ra đi bộ đến đây cũng được. Bởi chạy xe máy thì chỉ ngắm lướt một tẹo rồi vụt qua ngay, chưa kịp ngấm cái hồn của cây, của đất vào người. Bản Pác Ngòi sầm uất và nhộn nhịp hơn Pó Lù rất nhiều. Ở đây quán xá đông đúc hơn, và hiển nhiên khách du lịch thì đâu đâu cũng thấy. Đường xá lắm bụi bặm, thi thoảng là mấy căn nhà đang được xây, gạch vữa tứ tung. Hai đứa lè lưỡi. Thật may là đã không thuê phòng ở bên này.

Là bởi thiên nhiên quá hiền hoà?

Về lại thành phố, về lại với những lo toan, chật vật thường ngày. Chuyến xe lần này dễ chịu hơn biết mấy. Tôi đã thua khi cố thuyết phục bản thân lên chuyến xe rẻ tiền hơn để về Hà Nội. Bởi tôi sợ cảm giác toàn thân mệt nhừ vì say xe như lúc đi, tôi sợ ngửi cái mùi kinh dị đó thêm một lần nữa. Có thể tôi sẽ cố đối mặt với chúng ở những chuyến đi sau, nhưng ít nhất là không phải ngay lúc này…  Không ở lần này…

Mà lạ thay, cứ mỗi lần ở gần thiên nhiên, mọi mục đích sống, mọi khao khát và ước mơ của tôi chẳng hiểu sao trốn biệt tăm biệt tích chẳng khác chút nào cái lúc vật vã với cơn say xe. Tất cả những gì tôi muốn làm lúc đó là khẽ nhắm mắt và để mọi thứ trôi theo nhịp thở của đất trời. Vậy mà vừa đặt chân lên đất phố thị ồn ào, mọi thứ lại trở về như cũ. Tôi hỏi bạn, phải chăng thiên nhiên quá hiền hoà, nên sống cùng thiên nhiên ta không còn cần gì hơn nữa…?

Just be,

2 responses to “Hồ Ba Bể, một chiều cuối tháng tư”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *