Chiang Mai – Mapping Và Những Điều Chưa Kể

Chiang Mai du lịch

Sự đông đúc, ồn ào và những bức tường xi măng nóng bỏng, thực lòng tôi vẫn chưa quen. Nhưng để nói về Chiang Mai hay Mapping, từng đấy thôi chưa đủ…

Bên bờ sông Ping và sự tích Spring Rolls

Một trong những điều tôi thích nhất ở Mapping là góc vườn nằm nép mình bên bờ sông Ping. Đây là chỗ trốn lý tưởng của tôi và cũng là nơi tôi dành nhiều thời gian nhất trong suốt mấy ngày ở Chiang Mai. Nhờ có nó mà tôi thôi không còn bận tâm tới những ồn ào, chật hẹp của phố xá và bắt đầu “yêu” Mapping hơn những ngày đầu. Khu vườn nhỏ, với 4 cái chòi lá nằm lặng lẽ ở bốn góc. Buổi sáng tôi thường lẻn ra góc chòi yêu thích của mình và ngồi ngắm nhìn dòng nước đang trôi lững lờ phía trước. Thi thoảng, phía góc đối diện có ai đấy đang đàn hát một mình như thể cả thế giới là của riêng họ. 

Mapping là một hostel đặc biệt (chỉ khi tôi nhìn nó bằng đôi mắt trần trụi và bằng trực giác của chính mình, không phán xét, không quan sát hay dùng lý trí để nhận định). Đây không phải là nơi phù hợp cho những ai muốn chụp hình sống ảo. Mọi thứ ở Mapping cực kỳ đơn giản, thô sơ, và nom khá cũ kỹ. Nhưng có lẽ với dân du lịch bụi thì bấy nhiêu thôi cũng đã đủ rồi. Đâu cần gì hơn nữa khi điều mà họ quan tâm nhất là những câu chuyện, là gặp những con người thú vị và có một góc đủ yên tĩnh để tìm về chính mình. 

Mapping không ồn ào. Căn phòng dorm nhỏ xíu, chỉ đủ chỗ cho 4 chiếc giường tầng, nhưng hiếm khi tôi nghe tiếng mọi người cười nói quá to. Tất cả những vị khách ở đây đều tôn trọng sự riêng tư và yên lặng của người khác. Mỗi lần vào phòng, nhất là buổi tối, mọi người luôn nhún chân, bước thật nhẹ nhàng để tránh gây tiếng động. Hễ lúc nào muốn bật đèn, chúng tôi  không quên quay sang những người bạn cùng phòng của mình để xin phép. Cứ tưởng chỉ mình tôi chú ý tới dăm ba chi tiết nhỏ nhặt này, nhưng hóa ra, mấy đứa bạn tôi quen ở đây đều nhận ra điều dễ thương đó. Rồi một vài đứa còn bảo, “Mọi người đến đây ai cũng đáng yêu hết sức. Nên tao mới ở đây lâu vầy đó”, hay “Lần tới quay lại Chiang Mai, tao nhất định sẽ về đây”

Dòng sông Ping nhìn từ góc chòi trong vườn Mapping
Chuông gió ở Mapping
Ghế tre ở Mapping

Ngoại trừ Loren thì người tôi trò chuyện nhiều khi ở Chiang Mai là Julien. Julien là một nhiếp ảnh gia người Pháp, có dáng người cao gầy và mái tóc lốm đốm bạc. Julien ở Chiang Mai một thời gian và hostel này giống như ngôi nhà thứ hai của chú. Gọi là chú vậy chứ chúng tôi luôn xem nhau như những người bạn và sự khác biệt về tuổi tác chưa bao giờ ảnh hưởng đến cách chúng tôi trò chuyện với nhau. Tôi gặp Julien lần đầu tiên khi đang đứng cạnh quầy lễ tân. Có vẻ Julien vừa đi đâu đấy về. Chúng tôi làm quen nhau rồi Julien chìa bọc bánh coconut (Khanom Krok) và bảo tôi ăn thử. Sau đấy, chú dẫn tôi đến khu chợ của người địa phương gần hostel. Chú bảo, “Đồ ở đây ngon mà rẻ lắm. Đừng đi tìm đâu cho mệt. Tui dẫn đến một lần, lần sau biết đường rồi thì cứ tự đến nghen.” Và “Sự Tích Spring Rolls” ra đời từ đây…

Đó là một sạp hàng bán Spring Rolls nằm ở lối vào đầu tiên của chợ San Pa Koi. Chủ sạp hàng là một người phụ nữ trẻ, tầm chừng trên dưới 30. Chị không nói được tiếng Anh nên chúng tôi chủ yếu dùng ký hiệu tay để giao tiếp. Ở đây có nhiều loại Spring Rolls khác nhau và giá của mỗi loại thì đã được niêm yết sẵn. Tôi chọn một suất veggie và mua một nải chuối to rồi cùng Julien bách bộ trở về. 

Quả thực món Spring Rolls ở đây ngon hơn Spring Rolls mà tôi ăn ở Việt Nam rất nhiều. Tôi đặc biệt thích phần nước sốt màu xanh được xay từ một vài loại lá (gì đó) có vị cay nhè nhẹ. Hôm đấy, Julien và tôi ngồi ăn trưa cùng nhau ngoài vườn. Suốt bữa ăn, chúng tôi có nói về Phật học và thiền. Chính hôm đó, chú đã gợi ý tôi đi khóa Vipassana ở Myanmar. Thực ra, tôi có ý định tham gia khóa thiền 10 ngày tại một trung tâm Phật Học ở Chiang Mai (không phải là trung tâm Vipassana của thầy Goenka) nhưng khi gửi email đăng ký thì lại bị từ chối do khóa thiền tháng 11 đã đủ người. Julien đã từng tham dự khóa thiền Vipassana ở Myanmar và có vẻ chú rất thích nơi đó. Nhưng tôi không thể đến Myanmar để thiền trong chuyến đi này được vì thời gian tôi được phép ở lại tại Myanmar mà không cần visa là 14 ngày, trong khi đó, khóa thiền kéo dài 10 ngày và như vậy thì sẽ khá cập rập. Tôi đành hẹn dịp khác.

Trở lại với sự tích Spring Rolls. Những ngày ở Chiang Mai, Veggie Spring Rolls là món tôi ăn thường xuyên nhất. Ngoài ra, chợ San Pa Koi cũng là một nơi lý tưởng để mua hoa quả hay salad mà không lo bị chặt chém như những khu chợ dành cho người nước ngoài. Điều đặc biệt là Spring Rolls không chỉ có mỗi tôi thường xuyên lui tới, nhiều người ở Mapping cũng rất thích món này. Chắc hẳn, Julien đã “mai mối” họ với Spring Rolls, giống như với tôi ngày hôm đó. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng tôi cũng may mắn đến đúng hôm quán mở cửa. Lắm lần hớt hải chạy đi mua rồi lại tay không chạy về giữa lúc trời nắng nóng. Spring Rolls trở thành điểm bắt đầu của những cuộc chuyện trò, thay cho màn chào hỏi thông thường. Khi nghe một đứa bảo sẽ đi chợ, mấy đứa còn lại sẽ ngay lập tức hỏi “Mày đi mua Spring Rolls đấy à?”. Hay khi thất bại trở về sau “cuộc săn Spring Rolls”, cả bọn sẽ lại nhốn nháo, “Ôi trời, thế không mua được Spring Rolls à?”…và sau đấy là những tiếng thở dài thườn thượt. 

Khi đi lang thang như này, một trong những điều tôi luôn biết ơn là lời khuyên hay gợi ý của những người bạn tôi gặp trên đường. Như khi Julien dẫn tôi tới khu chợ địa phương và giới thiệu món Spring Rolls, khi Sophie nhắn tôi địa chỉ một quán cafe mà cô bạn bảo là “rất rất dễ thương và nếu có thời gian thì nhớ ghé qua”, hay khi Ted dành chút thời gian ít ỏi còn lại của mình ở Thái để dẫn tôi tới tiệm bán film mà anh vô tình biết… Tôi nhận ra rằng, miễn là bản thân luôn sẵn sàng lắng nghe, sẵn sàng đặt câu hỏi, sẵn sàng trải nghiệm những điều mới mẻ, tôi sẽ chẳng bao giờ cần dùng đến cuốn Lonely Planet khi tới bất kỳ nơi nào. 

Spring Rolls huyền thoại
Người tạo nên huyền thoại Spring Rolls
Bánh Khanom Krok ở chợ San Pa Koi

Mapping và những người bạn

Tôi đã rất thất vọng về Mapping khi lần đầu tiên đặt chân tới đây. Thực chất là vì tôi chán ghét cuộc sống thành phố và những tiếng ồn, những chen chúc giữa người và xe. Sự bí bách, sự ô nhiễm, sự nóng nực khiến tôi thấy choáng ngợp và khó thở. Tôi vẫn còn rất thèm khát cuộc sống ở núi rừng, ở nông trại, vẫn thèm lắm những khoảnh khắc đứng trước sự bao la, khoảnh khắc ngắm nhìn sợi chỉ nhỏ ở phía xa xăm, vô tình chia cắt bầu trời và mặt đất.

Nhưng tôi không hề biết rằng, những ngày sau đấy của tôi ở Mapping là những ngày khó quên nhất trong gần 1 tháng trời lang thang đất Thái. Những người bạn, những câu chuyện, những ngụm bia mát lạnh dưới bầu trời tháng mười một đầy sao đã là điều tôi biết mình sẽ nhớ thật nhiều khi trở về cuộc sống bình thường như bao người khác. Thật buồn cười khi đi như một kẻ du lịch vâỵ mà những điểm đáng lẽ nên đến thì lại khước từ. Chỉ dành thời giờ thẩn thơ trong những điều nhập nhằng, dành thời giờ lượm lặt những câu chuyện không hề có đoạn mở đầu hay kết thúc. Tôi từng bảo với đứa bạn thân ở nhà, rằng mọi chuyện xảy ra đều có lý do và những người bước vào cuộc đời, dù chỉ vài phút giây ngắn ngủi thì cũng luôn gửi đến chúng ta những bài học, những thông điệp trân quý. Và tôi luôn biết ơn họ vì đã trở thành một phần trong chuyến hành trình tôi đi tìm tôi. 

Đọc thêm: Chiang Mai – Lễ Hội Yi Peng và Những ngôi sao lặng lẽ

Julien: Tôi có nhắc đến Julien khá nhiều ở bài viết này, hay bài viết trước đó về Chiang Mai. Julien là người đã đưa tôi đến với Spring Rolls, đưa tôi đến với Vegetarian Society, đã dẫn tôi đi thăm ngôi chùa nhỏ mà chú thường xuyên đến. Julien biết tính tôi không thích tới những nơi xô bồ, và quả thực ngôi chùa không hề có bóng dáng của bất kỳ vị du khách nào (ngoại trừ hai chúng tôi). Julien cũng là người đã chở tôi đến thác nước ở gần trường Đại học Chiang Mai, chở tôi ra ga để mua vé tàu đi Bangkok và dẫn tôi đến chỗ bán Postcard mà theo như chú nói (với tư cách là một nhiếp ảnh gia) thì những tấm postcard ở đấy “very special” giống hệt chủ nhân của chúng. Tôi thích cách Julien chăm sóc những con mèo ở Mapping, cách chú trò chuyện và giúp đỡ mọi người. Những người lần đầu gặp Julien có lẽ sẽ hơi ái ngại với sự nhiệt tình của chú. Nhưng là một người luôn tin vào trực giác, tôi có thể cảm nhận được sự chân thành của Julien ngay từ cuộc trò chuyện đầu tiên. 

Anne: Anne là một cô gái trẻ đến từ Hà Lan, mang trong mình hai dòng máu Á Âu. Anne ít hơn tôi tận 4 tuổi nhưng trông cô bé khá trưởng thành. Cô có mái tóc đen dài và làn da nâu, khỏe khoắn. Tuy ở cùng phòng nhưng mãi đến nhiều ngày sau đấy chúng tôi mới thực sự quen nhau. Thật trùng hợp là cô bạn cũng vừa mới qua Myanmar tham dự khóa thiền Vipassana, thế nên tôi có dịp hỏi han về tình hình bên đó. Chính nhờ Anne mà tôi biết đến chuyến trekking đi Inle và tiết kiệm được một khoản chi phí đi lại khi ở Myanmar (tôi sẽ kể về chuyến đi Inle ở một bài viết sau). 

Sophie: Cô bạn quyết định ghé qua Chiangmai một vài ngày trước khi trở về Anh sau một năm đi nghiên cứu và thực tập ở New Zealand. Sophie là một nhà động vật học và dành phần lớn thời gian viết bài cho các tạp chí nghiên cứu. Vài năm trước, Sophie từng ở Việt Nam một thời gian và có vẻ cô bạn rất thích Saigon. Cô bạn bảo Spring Rolls ở Vietnam ngon nhất quả đất… cho tới khi tôi dẫn cô tới “xứ sở Spring Rolls” ở chợ San Pa Koi. Sophie cũng là một cô bạn ít nói, không thích ồn ào, và tôi còn vô tình thấy cuốn The Sorrow of War đặt ở đầu giường cô (The Sorrow of War – tiếng Việt là Nỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh. Đây là cuốn sách tôi thường gợi ý cho tụi bạn nước ngoài bất cứ lúc nào có đứa hỏi tôi về sách văn học/ tiểu thuyết Việt Nam). Chúng tôi đã ôm nhau thật lâu vào buổi tối trước hôm cô bay về nước. 

Vitu: Giống như Julien, Vitu không phải là khách ở Mapping. Cô đã ở đây một thời gian và mọi người ở Mapping luôn xem cô như một thành viên trong nhà. Tôi quen Vitu nhờ sự giới thiệu của Julien. Thực ra, tối hôm đó mọi người kéo nhau ra chòi ngồi uống bia rồi trò chuyện. Đấy cũng là buổi tối cuối cùng chúng tôi ngồi với nhau. Ngày hôm sau, Julien và Anne đều phải lên đường. Julien cần quay về nước để lo chuyện giấy tờ còn Anne thì đi tiếp hành trình khám phá của cô. Tôi đã rất buồn khi phải chia tay mọi người. Vốn dĩ là một đứa thích ở một mình, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ buồn khi xung quanh không còn ai để trò chuyện. Julien cố gắng an ủi tôi, “Không sao đâu mà. Mọi người đi hết rồi thì lại có người mới đến, lại gặp những người dễ thương thôi mà. Không thì trò chuyện với Chris hay Vitu ấy. Hai người này cũng dễ thương lắm đó.” Vừa nói dứt lời thì thấy Vitu đi đầu về. Julien gọi cô lại và giới thiệu tôi với cô, Vitu luôn là người mang nhiều năng lượng tích cực. Cô luôn cười với mọi người và cực kỳ vui tính. Chúng tôi có dịp ngồi uống trà và trò chuyện chút ít cùng nhau. Ít lâu sau khi trở về nước và quay lại với công việc văn phòng, tôi có gặp lại Vitu vài lần ở Hà Nội. Cô gái người Tây Ban Nha này lúc nào cũng mang đến điều bất ngờ cho người khác.

Chris: Ở Mapping gần 10 ngày nhưng tôi hiếm khi gặp Chris, người mà Julien bảo là rất ít nói và thích yên tĩnh như tôi. Chris là giáo viên dạy Yoga và âm nhạc. Anh sinh ra ở Đức nhưng phần lớn những năm tháng tuổi trẻ, anh sống tại nhiều nước khác nhau để trải nghiệm. Chris thường đạp xe ra ngoài từ lúc trời đang tờ mờ sáng và trở về lúc tối muộn. Chúng tôi không trò chuyện nhiều, chủ yếu chỉ chào hỏi dăm ba câu khi chạm mặt. Hôm cuối cùng ở Mapping, sau khi đã check out và sắp xếp đồ đạc xong xuôi, tôi tranh thủ lẻn ra chòi ngồi hóng gió trước khi nói tạm biệt nơi này để lên tàu đi Bangkok. Vừa ngồi được một lúc thì bỗng dưng Chris xuất hiện, leo thẳng lên chỗ tôi ngồi. Mặt ướt đẫm mồ hôi, trên tay cầm một nải chuối nhỏ. Có vẻ anh vừa từ lớp dạy nhạc trở về vì trên vai anh là chiếc hộp đàn màu nâu đất mà tôi thi thoảng bắt gặp khi anh đang đạp xe thong dong trên phố. Thật trùng hợp là cả hai đứa đều mê mẩn Jazz và Đồng Quê. Hôm đó, Chris có lôi guitar ra và chơi một số bản nhạc anh tự sáng tác cùng với mấy bài quen thuộc của Frank Sinatra. Còn tôi thì ngồi bó gối, ngân nga theo tiếng đàn, mặc kệ gió cuốn trôi hết mọi suy tư. Tôi thôi không còn nghĩ về những cái ôm tạm biệt hay những cuộc chia ly cùng lời hẹn gặp lại nữa. Tôi biết giây phút tôi ngồi đây, lặng nghe tiếng đàn quyện vào tiếng rè rè của chiếc quạt cũ treo trên vách chòi mới là điều quan trọng hơn hết thảy. 

Ted: Cũng như Chris, cuộc gặp gỡ giữa tôi và Ted diễn ra khá chóng vánh. Anh chàng có dáng người cao dỏng đến từ Mỹ vô tình lại là một nhiếp ảnh gia. Và chúng tôi quen nhau trong lúc tôi đang loay hoay lắp cuộn film cuối cùng vào máy còn anh thì đang sửa soạn đồ để check out. Khi trông thấy chiếc máy film khờ khạo của tôi, Ted liền chạy đến bắt chuyện. Hóa ra anh chàng này cũng là một kẻ say film, đặc biệt là film đen trắng. Vậy là hai đứa lại ngồi nói liên tù tì về film và ảnh. Sau khi biết tôi đang cần tìm chỗ mua film, anh chàng bèn đề nghị dẫn tôi đến tiệm máy ảnh film cũ mà anh bắt gặp khi lang thang ở Chiang Mai. Ted ít nói, anh chỉ nói nhiều hơn khi nhìn thấy những chiếc xe van cũ nép mình lẳng lặng bên đường.

Sophie, tôi và Anne – buổi tối trước hôm tạm biệt

Đọc thêm: Chiang Mai – Chiếc máy ảnh và những chú chim bồ câu

Điều kỳ diệu ở xứ sở Vegetarian Society

Bên cạnh Spring Rolls thì một nơi tôi đặc biệt thích ở Chiang Mai là Vegetarian Society. Một lần nữa, người mách tôi địa điểm này là Julien. Chú biết được chỗ này nhờ một cô bạn người Thái. Hôm đó, theo kế hoạch, sau khi đi cùng Ted đến tiệm film, tôi và Anne bắt xe buýt tới xứ sở mà Julien khăng khăng rằng tôi sẽ bị mê hoặc ngay lập tức khi bước vào. Nhưng do phải xoay xở một số thứ nên nếu đi buýt sẽ bị trễ giờ (Vegetarian Society đóng cửa sau 2h chiều). Vậy là Julien quyết định chở hai đứa tới đó bằng xe máy. Lúc đầu tôi khá do dự vì việc đi xe máy, không có mũ bảo hiểm, lại đèo ba là một sự mạo hiểm kèm theo chút tội lỗi. Rõ ràng chúng tôi đang phá vỡ luật an toàn giao thông của Thái Lan. Thật xấu hổ quá :(. 

Ấn tượng đầu tiên khi bước chân vào cổng là sự yên tĩnh. Có thể là do chúng tôi đến muộn, sát giờ đóng cửa nên khá thưa người. Nói vậy nhưng đồ ăn thức uống vẫn còn nhiều vô kể. Tôi đặc biệt thích những bình thủy tinh đựng nước hoa quả, đứng ngắm thôi cũng có thể cảm nhận được vị ngọt thanh mát trên đầu lưỡi rồi. Khách tới Vegetarian Society sẽ tự chọn món bất kỳ. Và đúng như cái tên gọi, tất cả đồ ăn ở đây đều không làm từ thịt hay từ các thực phẩm có nguồn gốc từ động vật. Bạn có thể lê la các quầy bánh trái, rau củ,… và chọn cho mình món yêu thích rồi đến bàn thu ngân để trả tiền. Người thu ngân sẽ nhìn vào đĩa để ước tính giá cho đĩa ăn của bạn. Điều tuyệt vời là giá cho một bữa ăn no nê ở đây vô cùng phải chăng.  

Tôi đã phải mất một lúc lâu để vừa đi chọn món lại vừa ngắm nghía những quầy đồ ăn hấp dẫn, mặc kệ cái bụng cứ một chốc lại réo lên vì đói. Thực sự thì đúng như Julien nói, tôi gần như bị mê hoặc bởi nơi này. Vừa đi tôi lại vừa xuýt xoa đủ thứ, còn Anne và Julien thì cứ nhìn tôi rồi cười. Hẳn hai người này đang thầm nghĩ, “mình biết thể nào cô ả cũng mê chốn này”. 

Khách đến đây sẽ tự phục vụ tất tần tật mọi thứ, từ việc lấy bát đũa, chọn món, lấy đồ tới việc rửa chén bát sau khi ăn xong. Ở phía ngoài sân có dành một khoảng nhỏ để mọi người rửa bát chén của mình và úp vào kệ để phơi khô. Tôi luôn rất thích kiểu tự phục vụ như thế này. 

Chiều hôm đấy, sau khi ăn xong, Anne và Julien còn dẫn tôi tới một góc nhỏ trong khu vực Vegetarian Society. Lại một lần nữa tôi bị choáng ngợp. Đó là một tiệm bán các thực phẩm hữu cơ và các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên. Thực lòng mà nói, tôi đã rất muốn mang hết tất thảy những thứ này về nhà nếu như có thể. Chưa có một cửa hàng hữu cơ nào (cả ở Việt Nam hay ở bất kỳ nơi nào khác) lại khiến tôi mê hoặc như nơi này. Mọi thứ ở đây quá đáng yêu, từ những bánh xà phòng phảng phất mùi sả chanh tới những gói trà thảo mộc đặc trưng của đất Thái. Duy chỉ một điều là hầu hết các sản phẩm ở đây đều không có kèm mô tả hay hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Anh nên rất khó khăn cho một đứa không phải người Thái như tôi. 

Bữa trưa đầu tiên tại Vegetarian Society
Julien và Anne

Những tưởng tôi luôn thích cảm giác ở một mình nhưng có lẽ là không phải. Con người là câu chuyện. Việc đến một nơi, gặp những người bạn mới, cùng cười cùng lang thang chẳng phải luôn là điều để nhớ mãi, để níu tôi ở lại lâu hơn? Những cuộc trò chuyện ngắn ngủi, những cuộc gặp gỡ chưa kịp biết về cuộc đời nhau. Và tôi sẽ luôn biết ơn, rất nhiều.

Just be,

(Trích Travel Journal – Chiang Mai, 2018.11)



Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *